Trong thực tế có lẽ các bạn đã được nghe rất nhiều tới khái niệm “lãi suất ngân hàng”, vậy lãi suất ngân hàng là gì? Và có những loại lãi suất ngân hàng nào hiện nay? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về loại hình này trong bài viết dưới đây nhé!
Lãi suất ngân hàng là gì?
Lãi suất là giá cả của quyền sử dụng một đơn vị vốn vay trong một khoảng đơn vị thời gian (1 tháng hay 1 năm). Đây là một loại giá cả đặc biệt, được hình thành dựa trên cơ sở giá trị sử dụng chứ không phải dựa trên cơ sở giá trị. Giá trị sử dụng của khoản vốn vay chính là khả năng mang lại lợi nhuận cho người đi vay khi sử dụng vốn vay vào trong hoạt động kinh doanh hoặc mức độ thỏa mãn một hoặc là một số nhu cầu nào đó của người đi vay.
Khác với giá cả của hàng hoá, lãi suất không được biểu diễn dưới dạng số tuyệt đối mà sẽ thể hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm. Lãi suất (interest rate) cũng được coi là tỷ lệ sinh lời (rate of return) mà người chủ sở hữu nó thu được từ khoản vốn cho vay.
Lãi suất ngân hàng chính là tỷ lệ giữa mức lãi với tiền vốn gửi vào hoặc tiền cho vay trong một thời kỳ hay tỉ lệ giữa các chi phí phải trả trong một lượng tiền nhất định để được sử dụng lượng tiền ấy trong một khoảng thời gian do ngân hàng quy định hoặc đã thoả thuận phù hợp với hệ thống ngân hàng và với các khách hàng trao đổi nghiệp vụ với ngân hàng.
Các loại lãi suất ngân hàng
Lãi suất ngân hàng (đã bao gồm ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng khác) được phân ra thành nhiều loại khác nhau dựa trên các cơ sở với những tiêu chí phân loại khác nhau.
Lãi suất phân theo nguồn sử dụng
Lãi suất ngân hàng được phân thành 2 loại là lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Lãi suất huy động là lãi suất được các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác đưa ra khi huy động tiền gửi và loại lãi suất này quy định về tỷ lệ lãi phải trả cho các hình thức nhận tiền gửi của khách hàng.
Lãi suất cho vay là loại lãi suất mà ngân hàng cùng tổ chức tín dụng khác đưa ra để thu của những người vay tiền. Lãi suất cho vay ở Việt Nam chủ yếu gồm ba loại là lãi suất cho vay của ngân hàng nhà nước với các tổ chức tín dụng, lãi suất của các tổ chức tín dụng đối với nhau và loại lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Lãi suất phân theo giá trị thực
Lãi suất ngân hàng còn được chia thành hai loại đó là lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực. Lãi suất danh nghĩa là loại lãi suất mà được xác định một kỳ hạn gửi hoặc vay, thể hiện trên quy ước giấy tờ đã được thỏa thuận trước. Lãi suất thực là lãi suất xác định giá trị thực của khoản lãi đã được trả hoặc thu được sau khi trừ đi tỷ lệ lạm phát. Thông thường, trong nền kinh tế sẽ có lạm phát vậy nên lãi suất danh nghĩa bao giờ cũng sẽ cao hơn lãi suất thực.
Lãi suất phân theo thời gian
Lãi suất ngân hàng được chia làm ba loại: đầu tiên là lãi suất huy động cho vay ngắn hạn, lãi suất huy động cho vay trung hạn và cuối cùng là lãi suất huy động cho vay dài hạn.
Lãi suất ngân hàng cũng có thể được chia thành 2 loại: lãi suất đơn và lãi suất kép. Lãi suất đơn là tỉ lệ tính theo năm, tháng, ngày của số tiền lãi với số tiền vay ban đầu để từ đó tính lãi thời hạn kế tiếp. Lãi suất kép là tỉ lệ tính theo năm, tháng, ngày của số tiền lãi so với số tiền đã vay, số tiền vay này sẽ tăng lên do gộp lãi qua từng thời kỳ.
Lãi suất phân theo phương thức trả
Lãi suất ngân hàng sẽ được chia thành: lãi suất trả trước và lãi suất trả sau. Lãi suất trả trước là loại lãi suất được tính trước và tính thêm vào phần tiền gửi. Lãi suất trả sau là lãi suất mà qua kỳ hạn gửi tiền người gửi mới được nhận tiền.
Phân theo chức năng của các ngân hàng
Lãi suất ngân hàng được chia thành: lãi suất ngân hàng nhà nước và lãi suất của tổ chức tín dụng.
Lãi suất ngân hàng nhà nước là loại lãi suất do ngân hàng nhà nước quy định trong quy chế hoạt động ngân hàng. Lãi suất ngân hàng nhà nước bao gồm có lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và cuối cùng là lãi suất tái chiết khấu. Lãi suất cơ bản là lãi suất do ngân hàng nhà nước công bố để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất khi kinh doanh.
Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất được ngân hàng nhà nước áp dụng khi tái cấp vốn. Còn lãi suất tái chiết khấu là hình thức lãi suất tái cấp vốn được áp dụng khi mà ngân hàng nhà nước tái chiết khấu thương phiếu hay các giấy tờ có giá ngắn hạn cho các tổ chức về tín dụng.
Lãi suất của các tổ chức tín dụng là loại lãi suất mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác đã áp dụng trong giao dịch với khách hàng. Lãi suất của các tổ chức tín dụng thường bao gồm các loại như: lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay, lãi suất thỏa thuận và lãi suất liên ngân hàng. Lãi suất thỏa thuận là mức lãi suất mà các tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng trong các hoạt động tín dụng thương mại. Lãi suất liên ngân hàng là loại lãi suất thoả thuận giữa các tổ chức tín dụng với nhau trong việc vay các khoản vay vốn ngắn hạn.
Một vài quy định về lãi suất ngân hàng
Quyết định 1729/QĐ-NHNN đối với mức lãi suất tối đa cho tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/ 2014 như sau:
Mức lãi suất tối đa dành cho tiền gửi bằng đồng Việt Nam của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và các cá nhân tại tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 là:
- Mức lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng đó là 0,2%/năm.
- Mức lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 4,0%/năm; riêng với Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 4,5%/năm.
Quyết định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2020 và thay thế Quyết định 919/QĐ-NHNN ngày 12/5/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức hay cá nhân tại tổ chức tín dụng/ chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/ 2014.
Đối với lãi suất tiền được gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của các tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày ra Quyết định này có hiệu lực thi hành và sẽ được thực hiện cho đến hết thời hạn; trong trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận mà tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo đúng quy định tại Quyết định này.
Theo quyết định số 1730/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho khoản vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng cho nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại thông tư 39/2016/TT-NHNN vào ngày 30/12/2016 như sau:
Mức lãi suất áp dụng cho khoản vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 điều 13 thông tư 39/2016/TT-NHNN vào ngày 30/12/2016 là:
- Các tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ các Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng cho mức lãi suất vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,5%/năm.
- Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng cho mức lãi suất vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm.
- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2020 và thay thế cho Quyết định 920/QĐ-NHNN ngày 12/5/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất áp dụng cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
- Lãi suất áp dụng đối với các hợp đồng tín dụng và thỏa thuận cho vay được ký kết trước ngày ban hành Quyết định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo đúng như hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay như đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng cho vay.
Tại sao các ngân hàng giảm, tăng lãi suất?
Ngân hàng giảm lãi suất
Các ngân hàng hạ lãi suất khi mà họ muốn tăng các hoạt động kinh tế trong nước, tăng cả của các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Bằng cách này, việc vay tiền sẽ trở nên hấp dẫn hơn.
Ngân hàng tăng lãi suất
Các ngân hàng cũng có thể tăng lãi suất lên, điều này làm cho việc vay vốn sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn. Và nó thường gắn liền với việc họ quan tâm đến việc giảm các hoạt động kinh tế, chính nó đã khiến cho lạm phát gia tăng.
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về lãi suất ngân hàng và những điều cần biết về lãi suất ngân hàng. Hy vọng bài viết này của Bank Teller đã giúp bạn hiểu thêm về loại hình này trước khi muốn vay hoặc gửi tiền.